Sinh Học Châu Á (ASIA) là công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự ra đời của ASIA gắn liền với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những giải pháp sinh học nông nghiệp hiệu quả, an toàn và thân thiện.

Thủy điện Thác Bà – Công trình lịch sử lớn nhất tỉnh Yên Bái

Phát triển nông nghiệp xanh là yêu cầu tất yếu

Sản xuất nông nghiệp của nước ta nói chung và Yên Bái nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Trong đó, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đã được tỉnh Yên Bái cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả như: Giải quyết tốt các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt, đồng bộ; các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh tiếp tục được duy trì để thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây là những định hướng, giải pháp thiết thực giúp cho các địa phương từng bước phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định, bền vững.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được đến hết năm 2023 cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Yên Bái luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản bị đình trệ; giá cả vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất tăng cao, chi phí sản xuất cao làm cho hiệu quả sản xuất giảm; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường... Song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là có sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và đạt được những kết quả tích cực:

(1) Tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp năm 2023 của tỉnh Yên Bái đạt 5,29%, đứng thứ 3 trong khu vực 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ, đứng thứ 10 so với toàn quốc.

(2) Giá trị xuất khẩu hàng hóa nông, lâm sản của tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt 155 triệu USD, chiếm 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

(3) Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Lũy kế đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái có 106 xã đạt chuẩn NTM, bằng 70,7% số xã toàn tỉnh (trong đó 17 xã thuộc Khu vực III), đạt 84,1% so với mục tiêu của Trung ương giao; 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 82,2% so với mục tiêu của Trung ương; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 61% so với mục tiêu của Trung ương; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM, đạt 60% mục tiêu của Trung ương giao.

Có thể thấy, những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây là rất đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Diện mạo nông thôn của tỉnh ngày một khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, xu hướng phát triển sản xuất hàng hóa ngày càng mạnh mẽ đã kéo theo những hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái, làm gia tăng khí thải carbon, gây hiệu ứng nhà kính và làm gia tăng biến đổi khí hậu, cụ thể đơn cử một số vấn đề như: Việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; lạm dụng thuốc, hóa chất trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến,…

Từ đó, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển xanh, bền vững, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới, chất lượng, an toàn gắn với “xanh hóa” trở thành một yêu cầu tất yếu và cấp bách hiện nay… Đòi hỏi phải có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp có trách nhiệm, an toàn, chất lượng, vì cộng đồng.

Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp xanh

Về thực trạng phát triển nông nghiệp xanh: Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là  689.267 ha. Kiến tạo địa hình chia cắt, với ¾ diện tích là đồi núi. Diện tích đất nông nghiệp là 617.588 ha, chiếm 89,6% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 522.959 ha, chiếm 84,6% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Dân số toàn tỉnh hiện có trên 847.000 người, trong đó gần 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Với diện tích nông nghiệp lớn, lực lượng lao động dồi dào là yếu tố thuận lợi để tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, những năm qua tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực, từng bước thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Một số kết quả chủ yếu đạt được trên các lĩnh vực như sau:

(1) Về sản xuất lâm nghiệp: Diện tích có rừng đạt trên 463.000 ha, Công tác bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng luôn được tỉnh quan tâm. Diện tích trồng rừng hàng năm bình quân đạt trên 15.000 ha, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Để nâng cao chất lượng rừng, trong thời gian qua tỉnh đã triển khai đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chứng nhận sản xuất hữu cơ cho gần 30.000 ha rừng. Công tác khoán bảo vệ rừng, thu và chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện theo quy định, các chỉnh sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu theo hướng bền vững bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, quy mô, diện tích cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh ngày một gia tăng (diện tích rừng trồng nguyên liệu hiện có trên 90.000 ha; cây quế trên 82.000 ha; cây sơn tra trên 9.000 ha và cây tre măng gần 6.000 ha). Từ đó quy mô, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì, chất lượng rừng ngày một nâng lên, đây được xem là một trong những giải pháp chiến lược để tăng cường khả năng hấp thụ khí các-bon. Bên cạnh đó tỉnh Yên Bái đã tích cực thu hút trên 60 doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công cao, công nghệ tiên tiến vào chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt vừa qua tỉnh Yên Bái đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Cty TNHH điện sinh khối EREX, đầu tư xây dựng Nhà máy Điện sinh khối tại Yên Bái, trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn năng lượng sinh khối từ các phụ phẩm, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến lâm sản và các loại cây trồng khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện. Đây được xem là một cách tiếp cận mới theo hướng tuần hoàn, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí sản xuất, hạn chế những tác động tiêu cực cho môi trường, đồng thời tạo ra năng lượng tái tạo hữu ích cho xã hội.

(2) Về sản xuất trồng trọt: Mặc dù có kiến tạo địa hình đồi núi, song Yên Bái lại có các vùng lòng chảo tạo ra các cánh đồng mẫu lớn như: Cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn) 1.400 ha, cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông (huyện Văn Yên) 600 ha, cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) 500 ha. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất, hàng năm tỉnh Yên Bái duy trì và phát triển tốt diện tích gieo trồng các cây trồng chủ lực của tỉnh, tỷ lệ phủ xanh đồng ruộng ngày một gia tăng, cụ thể: Diện tích gieo cấy lúa hàng năm duy trì trên 42.000 ha; cây ngô trên 29.000 ha; cây chè trên 7.000 ha; cây sắn trên 8.000 ha; cây ăn quả trên 10.000 ha; cây dâu tằm trên 1.000 ha;... bên cạnh đó tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao và thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác của người dân. Các tiến bộ khoa học về giống, quy trình canh tác được tăng cường ứng dụng vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường, cụ thể như: Kỹ thuật ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh; Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI; Kỹ thuật sản xuất rau, quả theo hướng an toàn; Giải pháp quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM); quản lý, cấp mã số vùng trồng;… Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn người sản xuất sử dụng phân bón hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thu gom, xử lý rác thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất (bao bì thuộc bảo vệ thực vật, phân bón…).

(3) Về sản xuất chăn nuôi: Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển sản xuất chăn nuôi theo hai vùng chủ đạo đó là: Đối với các xã, huyện vùng thấp tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung hàng hóa, tăng cường ứng dụng các giống tiến bộ, quy trình chăn nuôi công nghiệp khép kín, chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý tại chỗ (xử lý Biogas và ủ sinh học...). Đối với các xã, huyện vùng cao, tập trung phát triển các đối tượng vật nuôi đặc sản, bản địa theo hướng hưu cơ, an toàn sinh học, đặc biệt do có lợi thế về đồi rừng nên hoạt động chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả được quan tâm hỗ trợ phát triển. Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện của một tỉnh miền núi nhằm sử dụng có hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đến hết năm 2023 tỉnh Yên Bái có trên 800.000 con gia súc chính (trâu, bò, lợn), sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 75.000 tấn. Công tác phòng bệnh chủ động trong chăn nuôi luôn được quan tâm thực hiện, hàng năm tỉnh Yên Bái đều ưu tiên bố trí nguồn lực kinh phí để hỗ trợ tiêm phòng cho đàn vật nuôi và thực hiện các biện pháp phun tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi. Từ đó, trong những năm gần đây không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi của tỉnh, đây là cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được trên các lĩnh vực, thì tỉnh Yên Bái còn đẩy mạnh hỗ trợ các hình thức phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, đến nay đã có trên 50 dự án liên kết chuỗi được hỗ trợ thực hiện, trong đó hỗ trợ các dự án xây dựng vùng nguyên liệu theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng (Hữu cơ, VietGap), đồng thời đánh giá, chứng nhận sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc sản phảm, … Nhiều mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị từng bước được áp dụng như: Mô hình sản xuất lúa ruộng bậc thang vùng cao gắn với du lịch mùa vàng; Mô hình chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch; Mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và trồng cây dược liệu dưới tán rừng; Mô hình lúa, cá và các mô hình vườn – ao – chuồng,… Đã góp phần tích cực vào thay đổi, tư duy, phương thức sản xuất của tỉnh theo hướng xanh, an toàn và hiệu quả.

- Do địa hình đồi núi chia cắt, sản xuất phân tán, nên việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc ứng dụng, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn vào điều kiện thời tiết, trong khi biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, các loại hình thiên tai (mưa lũ, giông lốc, rét đậm, rét hại…) thường xuyên xảy ra; dịch bệnh tiểm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho sản xuất. Đây là những rào cản lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

- Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, mà mới đang thực hiện lồng ghép theo các chương trình, đề án, dự án chung.

- Nhìn chung các mô hình sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, hữu cơ… còn ít và chưa có sức lan tỏa.

- Người sản xuất chưa quan tâm nhiều đến mục đích, ý nghĩa của sản xuất bền vững, chủ yếu lấy số lượng làm mục tiêu và đáp ứng theo nhu cầu của thị trường tiêu dùng, trong khi đó thói quen tiêu dùng chưa được thay đổi, vẫn chủ yếu sử dụng các sản phẩm truyền thống, giá rẻ, còn các sản phẩm sản xuất công nghệ cao, theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng, có giá bán cao hơn thì rất khó tiêu thụ.

- Tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, chưa tuân thủ quy trình cách ly an toàn trong sản xuất vẫn còn xảy ra; phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp chưa được tận thu, tái sử dụng hiệu quả; tình trạng ô nhiễm mỗi trường chưa được xử lý triệt để.

Giải pháp phát triển nông nghiệp xanh: Để tiếp tục thực hiện thành công quan điểm, mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững trong thời gian tới. Chúng ta cần quan tâm, tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Các cấp, các ngành cần tiếp tục, kiên trì, bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng và nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững.

(2) Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng xanh làm động lực thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hưu cơ, thân thiện môi trường. Kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ các tổ chức, doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.

(3) Xây dựng các mô hình điểm về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, nông nghiệp sinh thái, thông minh để tổng kết đánh giá hiệu quả và tuyên truyền nhân rộng trong thực tiễn.

(4) Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, sản xuất an toàn, hưu cơ để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, cũng như thay đổi thói quen tiêu dung, hướng đến một mục tiêu cốt lõi là bảo vệ môi trường sinh thái và vì sức khỏe cộng đồng.

(5) Tăng cường hợp tác liên kết phát triển sản xuất để hình thành các vùng nguyên liệu xanh, hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế. Nâng cao năng lực tự vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(6) Nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân để chủ động trong sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, chế biến; khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra năng lượng tái tạo phục vụ đời sống xã hội và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường./.